• HA NOI INDUSTRIAL TEXTILE JSC
  • HA NOI INDUSTRIAL TEXTILE JSC FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT

Partners customers

Internal news

Vietnam Textile and Garment: The inevitable path for development

  • Monday, 17:13 Date 20/10/2014
  • Trong lịch sử phát triển kinh tế, một  số quốc  gia  như  Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan có giai đoạn đi lên từ ngành công nghiệp dệt may, để rồi trở thành những “con rồng” châu Á. Lý do là ngành dệt may đòi hỏi nhu cầu vốn không lớn, giải quyết được nhiều lao động chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, sử dụng ít tài nguyên không tái tạo lại được như đất, nước và năng lượng. Ngoài ra, ngành công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động này không tạo ra nguy cơ của các cú sốc cho nền kinh tế như bất động sản hay tài chính…

    Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ngành dệt may đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp và gần 2 triệu lao động gián tiếp (thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ, kho bãi, vận chuyển…). Với mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng/người, tương đương 54 triệu đồng/năm thì tổng quỹ lương chi trả cho 2,5 triệu lao động trực tiếp trong 1 năm là 135 ngàn tỷ đồng (tương đương 6,7 tỷ USD) là một con số không nhỏ, đóng góp đáng kể vào chi tiêu xã hội và tăng trưởng kinh tế.

    Là một ngành ít sử dụng tài nguyên không tái tạo, nhưng dệt may mang đến thu nhập hiệu quả cho người dân. Làm một phép tính đơn giản, chỉ cần trên 1 ha đất để xây dựng một nhà máy may tạo việc làm cho trên  1.000 công nhân, với thu nhập của người lao động trong một năm xấp xỉ 54 triệu đồng, tổng thu nhập tiền công từ 1ha đất đã là trên dưới 54 tỷ đồng. Với một đất nước xuất phát điểm từ nông nghiệp đang trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, thì số tiền người lao động thu được từ 1 ha đất như vậy được tính là rất hiệu quả.

    Đặc biệt trong những năm qua, dệt may là ngành tiên phong đưa nhà máy về vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương. Từ Bắc vào Nam, nơi nào có nhà máy dệt may, nơi đó người dân không chỉ đảm bảo thu nhập mà còn được học nghề, làm quen với văn hóa, tác phong công nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống và tri thức. Dệt may không chỉ góp phần thúc đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ nông nghiệp sang công nghiệp trong công cuộc đổi mới và trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước mà còn giúp xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

    Hiện nay có một số quan điểm cho rằng dệt may là ngành công nghiệp nhẹ, mang lại giá trị gia tăng chưa cao. Tuy nhiên cần đánh giá một cách toàn diện điều kiện của nền kinh tế Việt Nam cũng như mặt bằng dân trí. Nếu chỉ tập trung vào ngành công nghệ cao thì gần 3 triệu người lao động phổ thông sẽ đi đâu và làm gì? Và bài toán việc làm cho một lực lượng lao động không nhỏ sẽ giải quyết như thế nào?

    Hướng đến phương thức sản xuất tiên tiến

    Sản xuất xuất khẩu theo hình thức gia công (CMT) là một bước phát triển tất yếu, đóng vai trò quan trọng trong những bước đầu của tiến trình hội nhập thế giới của ngành Dệt May Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, các yếu tố mang lại lợi thế cạnh tranh cho phương thức sản xuất CMT như chi phí lao động thấp dần mất đi. Cùng với đó, thách thức toàn cầu đã đặt các nhà sản xuất dệt may Việt Nam dưới áp lực cạnh tranh lớn hơn, đòi hỏi các nhà cung cấp phải có khả năng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ trọn gói với chất lượng ngày càng cao, giá thành cạnh tranh và thời hạn giao hàng đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người mua trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đặc biệt là Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong những năm qua đang dịch chuyển dần từ gia công với tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu cao sang hình thức sản xuất tự chủ nguyên liệu (FOB) và sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM) để đáp ứng yêu cầu người mua và tạo giá trị gia tăng cao hơn.

    Trong hơn 10 năm qua, với  sự nỗ lực của  toàn Ngành, tỷ lệ nội địa hóa được cải thiện đáng kể. Từ chỗ chỉ có 20 đến 25 giá trị gia tăng được tạo ra tại Việt Nam trong sản phẩm dệt may xuất khẩu vào những năm 2000-2001, thì đến nay con số này đã tăng lên 49 – 50. Hơn nữa, với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 20 mỗi năm thì lượng nguyên liệu trong nước sử dụng trong hàng dệt may xuất khẩu đã tăng lên hàng chục lần trong 10 năm qua. Ngoài ra, từ việc chỉ xuất khẩu hàng may mặc đơn thuần thì những năm gần đây, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của Ngành có một bộ phận không nhỏ của sợi và phụ liệu dệt may. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào khoảng 2 tỷ USD/năm. Như vậy, nguyên liệu dệt may sản xuất trong nước đã bước đầu đáp ứng nhu cầu sản xuất nội địa, đồng thời đã xuất khẩu ra thị trường thế giới và được nhiều bạn hàng quốc tế tin dùng.

    Chỉ tính riêng kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014, ngành dệt may tiếp tục ghi dấu ấn và khẳng định được vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn về xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 18,2 tỷ USD, tăng 19 so với cùng kỳ năm 2013, trong đó xuất khẩu may mặc đạt 15,5 tỷ USD, xơ sợi dệt đạt 1,9 tỷ USD, vải kỹ thuật 340 triệu USD và nguyên phụ liệu 520 triệu USD. Dự kiến, theo đà này năm 2014 DMVN sẽ đạt KNXK khoảng 25,4 tỷ USD, tăng 19 so với năm 2013.

    Đối với Vinatex, Tập đoàn đã hướng tới mục tiêu chiến lược nâng cấp và liên kết các công ty thành viên theo mô hình ODM nhằm đạt được tầm nhìn và nhiệm vụ của đề án tái cấu trúc doanh nghiệp mà Tập đoàn đã đề ra. Theo ông Đặng Vũ Hùng –Phó TGĐ Vinatex, khi thực hiện được sản xuất theo phương thức ODM, thì cả hệ thống may mặc, dệt nhuộm, phụ liệu sẽ theo đó mà cùng phát triển tốt. Hiện nay, Vinatex đang thực hiện một số giải pháp mang tính chiến lược như tập trung kêu gọi nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài có thế mạnh về các sản phẩm còn thiếu hụt ở Việt Nam như nguyên liệu xơ visco, polyester, đầu tư vào các vùng trồng cây nguyên liệu để đảm bảo tăng tỷ trọng so với những năm trước đây, để tạo nguồn nguyên phụ liệu trong nước, ổn định sản xuất và tăng tỷ lệ nội địa hóa. Phát triển mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất có công nghệ dệt may tiên tiến. Quy hoạch lại việc tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ phát triển thị trường, thiết kế giỏi, sáng tạo.

    Dệt May là một trong số ít các ngành của Việt Nam có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác vì vậy ngành được Chính phủ nhìn nhận và coi là một trong những ưu tiên tại bàn đàm phán các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định thương mại Việt Nam – EU và Việt Nam – Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan…Để hàng dệt may được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu, các sản phẩm phải đáp ứng được các điều kiện về “xuất xứ” theo các điều khoản của hiệp định như đáp ứng được tiêu chuẩn “quy tắc bắt đầu từ sợi” hoặc “quy tắc bắt đầu từ vải”… Vì vậy, để đạt được những lợi ích từ các hiệp đinh  FTA, ngành công nghiệp dệt may Việt vẫn tập trung vào tăng cường các thành phần trong chuỗi cung ứng (từ sợi, vải, may mặc) và tạo mối liên kết tốt giữa các khâu sản xuất. Điều này sẽ tạo ra động lực để nâng cấp từ phương thức sản xuất cấp thấp lên sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

    Phương thức sản xuất ODM: Con đường phát triển của DMVN

    Hiện tại, Vinatex – đơn vị nòng cốt và dẫn đầu ngành Dệt May Việt Nam, có đầy đủ các cấu phần cần thiết để tạo lập một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh nhưng chưa được tích hợp để hoạt động mô hình kinh doanh ODM. Việc thành lập Công ty Vinatex International là cần thiết nhằm thực hiện chiến lược phát triển của Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong giai đoạn hiện nay với mục tiêu xây dựng và phát triển hình thức sản xuất kinh doanh ODM, liên kết chuỗi sản xuất Dệt – Nhuộm – May với các mặt hàng chính như dệt kim, kaki, sơ mi và áo khoác, lấy khâu Dệt – Nhuộm làm nòng cốt để tăng cường khả năng phát triển sản phẩm, sử dụng tối đa nguyên liệu vải tại chỗ để phục vụ sản xuất kinh doanh ODM, cung cấp cho khách hàng giải pháp may mặc trọn gói.

    Bước đầu đã có những doanh nghiệp thành công với kết quả tăng trưởng ổn định, hình thành được chuỗi liên kết hoàn chỉnh, cung ứng làm hàng FOB, ODM. Đơn cử như Tổng Công ty CP Phong Phú – một doanh nghiệp lớn của Tập đoàn – đã tự hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để đưa ra giải pháp trọn gói cho khách hàng. Các doanh nghiệp mạnh khác như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, Đức Giang là những đầu kéo quan trọng tạo lực cho sản xuất. Đầu tư của các doanh nghiệp khối dệt cũng được định hình theo hướng liên kết với nhau để cung ứng trọn vẹn sản phẩm. Việc hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm dần theo hướng sản xuất ODM đã được triển khai hiệu quả, tạo chuỗi sản phẩm liên kết ở các doanh nghiệp như chuỗi dệt kim Hanosimex và dệt kim Vinatex, chuỗi sản phẩm dệt thoi 8/3 – Dệt May Nam Định – các công ty may khu vực đồng bằng sông Hồng.

    Chủ động nguồn nguyên phụ liệu, nâng cao giá trị gia tăng, đi lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu là những mục tiêu ngành Dệt May Việt Nam đang hướng tới nhưng xét một cách toàn diện về điều kiện kinh tế – xã hội và mặt bằng chung của các doanh nghiệp Việt Nam, quá trình này rất gian nan, đòi hỏi sự đầu tư lớn về công sức và thời gian cũng như tư duy dám nghĩ dám làm của lãnh đạo Ngành, Tập đoàn và các đơn vị. Song với những cơ hội và thách thức đang đặt ra, khó nhưng vẫn phải làm và khó không có nghĩa là không làm được./.

    Nguồn:http://www.vinatex.com/Portal/Detail.aspx?Organization=vinatex&MenuID=72&ContentID=11772

     

    Related posts

    Copyright © 2020 by WESTERN MANUFACTURING TRADING AND DEVELOPMENT CO., LTD | Designed and developed by P.A Việt Nam